Ẩm thực là một trong những nét đặc trưng mang dấu ấn văn hóa của từng vùng, từng miền,… điều kiện sống của mỗi vùng sẽ ảnh hưởng tới màu sắc, phong vị ẩm thực của vùng đó. Dân gian có câu nói Ăn Bắc mặc Kinh. Đúng vậy, Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch, tinh tế, điều đó thể hiện rất rõ nét trong phong cách ẩm thực và khẩu vị ăn uống.

Ẩm thực Hà Nội qua ca dao tục ngữ 

Ẩm thực của đất Hà thành có những nét rất riêng biệt, đặc biệt có những món ăn đã đi vào ca dao, tục ngữ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì,

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.

Hay:

Bánh cuốn Thanh Trì, bánh dì (dày) Quán Gánh.

Trong số tên của phố phường Hà Nội xưa có đến hàng chục tên phố gắn liền với những mặt hàng, những sản vật liên quan trực tiếp đến chuyện bếp núc, ăn uống: “Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Bột, Hàng Cháo và Thuốc Bắc”. Đây cũng là điều thật ít thấy ở các đô thị khác. Không phải những con phố bán những mặt hàng đó, mà đơn giản chỉ là người Hà Nội luôn muốn giữ lại những gì thân thuộc nhất, đã gắn liền với họ, và để luôn nhớ về một thời khó nhọc đã qua. 

 Hà Nội còn nổi tiếng với những làng nghề ẩm thực đã có từ những thời xa xưa như  ” Thanh Trì – Bánh Cuốn, Phú Thượng – Xôi Nếp, Làng Vòng – Cốm Thơm, Phú Đô – Bún Ngần” tất thảy đều là những món ngon dân dã, những thứ quà bình dị gắn liền với cuộc sống của số đông người dân Hà Nội nhưng vẫn mang những nét riêng của một vùng văn hoá.

Trong hàng vạn các món ngon Hà Nội, nổi danh nhất là các món: Phở Thìn, bánh cuốn Thanh Trì, bún thang Hàng Hòm, bún chả Hàng Mành, bánh tôm hồ Tây, chả cá Lã Vọng, ô mai Hàng Đường, kem Tràng Tiền… Các món ăn đó có cả sự hài hòa giữa màu sắc, ngũ vị và đặc biệt có sự cân bằng âm dương theo quan niệm Á Đông.

Quan niệm về chuyện “ ăn uống “ của người Hà Nội

Với người Hà Thành, họ không chỉ cần ăn no – mặc ấm, mà còn phải ăn ngon – mặc đẹp, biết thưởng thức những gì đẹp nhất. Sự tinh tế không chỉ ở khẩu vị mà còn ở việc chọn lựa cách thức ăn uống – món nào “đi với” món ấy, mùa nào thức ấy, thậm chí giờ nào thức ấy… Nhiều khi chỉ qua những chi tiết nhỏ, cả người ăn và người nấu ăn cùng thể hiện những nét tinh tế trong văn hóa ăn uống. 

Điều đặc biệt trong tất cả các món ăn của người Hà Nội đó là gia vị. Gia vị trong các món ăn của người Hà Nội rất phong phú: Có gia vị phù hợp sẽ làm nổi bật chất lượng của món ăn. Như gừng làm át đi vị gây hôi của thịt bò, cà tím xào thịt ba chỉ phải có tía tô, rau muống xào phải có tỏi, canh trai, trùng trục phải có rau răm, xương xông, lá lốt. Bún riêu cua, riêu ốc phải có dấm bỗng. 

Người Hà Nội còn coi chuyện ăn uống như một cách thể hiện những thú vui, sở thích của mình. Họ thường quan tâm đến cách sắp xếp mâm cơm sao cho đẹp, trình bày món ăn làm sao kết hợp được màu sắc, mùi vị và hình thức. Thưởng thức món ăn ngon là sự tổng hoà cảm nhận của các giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Họ không chỉ quan tâm đến vấn đề ăn uống cái gì, mà còn quan tâm đến cách ăn uống như thế nào, ở đâu, với ai, lúc nào… Với người Hà Nội, món ăn ngon, người cùng ăn không hợp thì ăn không ngon. Món ăn ngon, chỗ ngồi không tốt, không thuận tiện thì ăn không ngon. Món ăn ngon, đồ dùng để ăn không sạch sẽ, không đẹp thì ăn không ngon. Món ăn ngon, ăn không đúng lúc, đúng chỗ thì ăn cũng không cảm thấy ngon…

“ Lời chào cao hơn mâm cỗ “

Cách ăn nhiều khi còn quan trọng hơn cả món ăn. Cách ăn uống của người Hà Nội được duy trì và phát triển hàng nghìn năm, đã trở thành truyền thống. Với người Hà Nội, lời mời ăn cơm bao giờ cũng lịch sự và thân tình. Lời mời thể hiện thái độ kính trọng người trên, thương yêu người dưới, lễ phép, văn minh, lịch sự. Trước khi ăn cơm, trẻ em trong gia đình phải có lời mời những người trong mâm theo thứ tự từ già đến trẻ. Khi ăn thì một tay bưng bát cơm, một tay cầm đũa, không được để bát cơm lên bàn rồi cúi đầu xúc cơm. Khi nhai, phải khép miệng kín đáo, tối kỵ kiểu nhai thức ăn nhồm nhoàm. Húp canh cũng phải nhẹ nhàng, không tạo ra tiếng động…. Những quy tắc ứng xử trong bữa cơm gia đình của người Hà Nội ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử tinh tế, khéo léo của người Việt từ bao đời nay.

Sau những hiện hữu của những yếu tố vật chất là những nét đẹp văn hoá, tinh thần của người Hà Nội ẩn chứa phía sau chuyện ăn uống. Tìm để hiểu, để trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị – đó là điều mang nhiều ý nghĩa trên con đường Hà Nội hội nhập để phát triển mà không đánh mất bản sắc của mình. Những nét đẹp, tinh tế trong văn hoá ẩm thực của người Hà Nội vẫn cần được gìn giữ và lưu truyền cho con cháu muôn đời sau./.

Please follow and like us: