Mỗi khi nói đến ẩm thực Thăng Long – Hà Nội, người ta thường nói đến sự tinh tế, cầu kỳ. Trong cách chế biến hay kết hợp nguyên liệu đều có những nguyên tắc riêng mang phong cách của người Hà Nội.  

Ẩm thực Hà Nội mang nét lịch lãm, nhẹ nhàng và thanh thoát. Người Hà Nội thường được nhắc đến bởi những cử chị tao nhã, thanh thoát và thường chú trọng giữ gìn những nét truyền thống. Chính vì vậy đối với người Hà Nội, những bữa ăn là dịp để các gia đình quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn ngon nấu tại nhà, chuyện trò, tâm sự. Bữa cơm của các gia đình thường là những món ăn bình dị, dân giã nhưng có những nguyên tắc mà người Hà Nội luôn tuân theo và truyền từ đời này qua đời khác. Cũng bởi vậy mà mâm cơm của người Hà Nội luôn mang một nét rất riêng, rất Hà Nội.

Nguyên tắc mùa nào thức ấy

Ẩm thực Hà Nội là những món ăn mang đậm chất của người Việt, từ hương vị cho đến các vật liệu đều được lựa chọn kỹ càng rồi mới tới khâu chế biến món ăn. Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông ,người phụ nữ Hà thành chú ý tới việc chọn các món ăn sao cho phù hợp với thời tiết. Ví như, mùa hè trong mâm cơm của người Hà Nội sẽ thường thấy các món canh giải nhiệt như canh cua đồng mồng tơi mướp, canh rau muống sấu chua thanh mát còn tới mùa đông để giữ ấm cơ thể họ thường chế biến các món như hầm, kho…

Cách chọn thực phẩm cũng là cả một nghệ thuật của những người gốc Hà Nội sành ăn. Chẳng hạn như rau cần chỉ ăn vào tháng chạp, tháng một. Cá rô thì lại ngon nhất vào tháng ba. Rau húng thì phải chọn húng Láng mới thơm. Đậu thì phải mua sao cho được loại đậu mơ vừa mịn vừa ngậy. Rau muống ngon phải là thứ rau muống nước, cọng xanh, nhỏ…

Mùa nào thức ấy, việc lựa chọn thực phẩm để tạo ra các món ăn hàng ngày cũng phải dựa trên những tiêu chuẩn đó chứ không phải cốt sắm sao cho đầy mâm, no bụng. Cứ như vậy, qua thời gian, cái gọi là văn hóa ẩm thực Hà Thành cứ vô tình ngấm dần vào mỗi người con của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Ảnh: Nhật Nam

Luôn có “chất” riêng

Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Hà Nội gốc, mỗi thực phẩm, mỗi món ăn lại hóa vừa lạ vừa quen. Có những món ăn tưởng chừng rất đơn giản như luộc rau, rán đậu nhưng người Hà Nội lại rất kĩ tính trong việc chế biến để món ăn mang cả hưởng vị lẫn hình thức. 

Lấy vị dụ như món rau muống luộc dầm sấu, rau muống phải đảm bảo được chọn lựa những cọng rau xanh, non để khi luộc phải canh lửa sao cho rau chín tới những vẫn phải giòn. Đặc biệt nước rau luộc phải có màu xanh trong mang vị chua thanh của sấu , và không thể thiếu được là nước mắm chấm chua cay. 

Người Hà Nội thường quan tâm đến cách sắp xếp mâm cơm sao cho đẹp, trình bày món ăn làm sao kết hợp được màu sắc, mùi vị và hình thức. Thưởng thức món ăn ngon là sự tổng hoà cảm nhận của các giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Người Hà Nội không chỉ quan tâm đến vấn đề ăn uống cái gì, mà còn quan tâm đến cách ăn uống như thế nào, ở đâu, với ai, lúc nào… Trong ăn uống, có tương khắc và tương hoà: “Thịt gà kinh giới, ba ba rau dền”. Ăn uống không chỉ để thoả mãn cái bụng mà còn để thưởng thức cái dư vị, dư hương của món ăn bởi thế mới sinh ra cái gọi là văn hóa ẩm thực Hà Thành.

Phong cách ăn uống của người Hà Nội

 Đối với người Hà Nội “ lời mời cao hơn mâm cỗ “, đây chính là một trong những nét văn hoá trong nét ăn uống của người Hà Nội. Bữa cơm của người Hà Nội khi có đầy đủ các thế hệ trong gia đình, các con cháu phải giữ phép tắc mời ông bà cha mẹ dùng bữa trước khi bắt đầu bữa ăn Nguyên tắc “ ăn trông nồi, ngồi trông hướng “ luôn được coi trọng để thành nền nếp trong mỗi gia đình và là những bài học về thói quen nếp sống đầu tiên của mỗi đứa trẻ Hà Nội. 

Bởi vậy ẩm thực của người Hà Nội mang đậm nét truyền thống, lưu giữ những tinh hoa của văn hoá lịch sử đất cố đô. Người Hà Nội giản dị, mộc mạc thanh tao những cũng không kém phần hiếu khách, trọng tình nghĩa.

Please follow and like us: