Món lẩu qua mỗi nền văn hóa trên thế giới lại được sáng tạo và thưởng thức theo những cách rất riêng, đặc biệt là trong ẩm thực Á Đông. Có nơi chuộng lấy độ ngọt từ nước hầm xương như lẩu Tứ Xuyên (Trung Quốc), nhưng cũng có nơi lại dùng rau củ ninh để lấy vị ngọt thanh và nước dùng trong như lẩu Nhật.  Còn lẩu Việt được đánh giá cao về sự đa dạng trong cách chế biến và các nguyên liệu đặc trưng cho từng hương vị.

 Lẩu Việt là sự biến hoá đa dạng và kết hợp các nguyên liệu phong phú. Người Việt rất chú trọng trong việc gia giảm gia vị để cho ra các loại nước dùng ngọt tự nhiên mà vẫn giữ được sự tinh khiết của các loại nguyên liệu. 

Trong nét văn hoá ăn lẩu của người Việt không thể nào thiếu được các loại rau ăn kèm. Với đặc tính là nước nhiệt đới, người Việt sử dụng các loại rau theo mùa để đảm bảo độ tươi ngon, dinh dưỡng và độ an toàn. 

Tuy cùng mang những đặc trưng chung của ẩm thực Việt nhưng mỗi miền trên đất nước ta lại đang sở hữu những món lẩu đặc sản khác nhau mang hương vị đặc trưng riêng của vùng miền.

Đối với người miền Bắc, những món lẩu thường được yêu thích thường là lẩu vịt om sấu với vị chua ngọt , thanh mát của sấu non mùa hè hay là vị lẩu riêu cua đồng dậy mùi dấm bỗng, hay lẩu gà đậm đà với rau ngải cứu the the đắng đầu lưỡi. 

Vào tới miền Nam, người dân với cái nắng nóng quanh năm lại yêu thích các loại lẩu cá kèo, lẩu mắm, lẩu gà lá é. 

Vào mỗi dịp gia đình, bạn bè đoàn tụ, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến món lẩu trước tiên, bởi nó đem lại không khí vừa ấm bụng vừa phù hợp để ngồi quây quần đông người. Cả gia đình, người thân, bạn bè bên nồi lẩu đang nóng hổi, nghi ngút khói, cùng nhau thưởng thức những miếng thịt, món rau vừa chín tới, hay bát nước dùng đủ các vị ngon ngọt, đậm đà, chua cay…

Việt Nam có rất nhiều món ăn truyền thống thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa ẩm thực cũng như vẻ đẹp tâm hồn người Việt. Trong số ấy, lẩu – một món ăn còn khá mới mẻ nhưng được nhiều người ưa chuộng bởi một lẽ nó mang đậm “chất” Việt.

Please follow and like us: