Ở đất nước hình chữ S này, đâu đâu cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách Quốc tế tham quan và nghỉ dưỡng. Việt Nam là điểm đến thu hút khách nước ngoài không chỉ bởi cảnh đẹp thiên nhiên mà còn bởi ẩm thực độc đáo và đa dạng. Ẩm thực Việt Nam là một trong những nét văn hóa hấp dẫn, được bạn bè năm châu ca ngợi và đánh giá cao.
Nền văn hóa ẩm thực lâu đời
Ẩm thực Việt Nam bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước do đó gạo là nguyên liệu chính không thể thiếu, được sử dụng trong những món ăn của người Việt. Cây lúa chính là vật được thờ cúng nhiều nhất trong đình chùa ở Việt Nam, được xem là bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ rất lâu đời. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ lúa gạo và đã được biến tấu dần để phù hợp hơn với sự phát triển của đất nước như: Cơm trắng, cháo, phở, bánh chưng, bánh tét khá nổi tiếng.
Người Việt luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ẩm thực mà ông cha để lại đồng thời tiếp thu những tinh hoa ẩm thực từ nước ngoài làm nên những món ăn độc đáo, vươn tầm ra thế giới.
Việt Nam ẩm thực ba miền
Lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam, cùng với đó là 54 dân tộc anh em. Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng – miền. Mỗi miền có một nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng.
Miền Bắc: Thường sử dụng ít gia vị hơn so với những miền khác. Những món ăn có hương vị vừa phải đề cao sự thanh tao đạm bạc, không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ; thường không đậm các vị cay, béo, ngọt; chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm.
Miền Trung: Miền trung thì khác hoàn toàn so với miền Bắc. Thường là các món ăn đậm vị và cay nồng. Nét đặc trưng của các món ăn thường thông qua màu sắc, là sự pha trộn của nhiều nguyên liệu thiên về màu nâu sậm và đỏ tự nhiên.
Miền Nam: Do chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa, Campuchia, Thái Lan; nên các món ăn của người miền Nam được biến tấu sáng tạo hơn các món ăn từ nước ngoài, thiên về độ ngọt và cay.
Những món ăn Việt không chỉ chú trọng về hình thức đẹp mắt, hương vị ngon miệng mà nó còn chứa đựng cả những ý nghĩa cao đẹp. Nên không ngạc nhiên khi các món ăn Việt lại được các thực khách quốc tế ca ngợi và đánh giá cao.
Hương vị hài hòa, tốt cho sức khỏe
Các món ăn Việt Nam chủ yếu làm từ rau, quả, củ nên ít mỡ, và không nhiều thịt như các nước phương Tây; cũng không dùng nhiều dầu mỡ như món ăn ở Trung Quốc. Khi chế biến thức ăn, đều có sự phối hợp hài hòa giữa ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Chính vì vậy mà những du khách nước ngoài thường rất bất ngờ và ấn tượng bởi cách chế biến, tẩm ướp gia vị của người Việt.
Các món ăn Việt Nam thường bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau như: thịt, tôm, cua cùng với các loại rau, đậu, gạo… Hương vị thơm ngon của món ăn xuất phát từ cách chế biến món ăn như: luộc, hấp, nấu, nướng hoặc ăn tươi sống để giữ được hương vị tự nhiên. Các gia vị thường được dùng trong các món ăn như: gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm… chứ ít dùng gia vị khô hoặc qua chế biến. Điều đó góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam mang màu sắc, hương vị riêng.
Các gia vị được sử dụng một cách tương sinh hài hòa với nhau và thường thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển và ngũ hành tương sinh”; 2 nguyên tắc kết hợp trong nấu nướng nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo đúng tiêu chuẩn mỹ học của người Việt. Chính cách tổng hòa nhiều chất, nhiều vị cũng là cách hóa giải những món độc; có tác dụng giống như những vị thuốc đông y.
Sự độc đáo trong cách thưởng thức ẩm thực của người Việt
Ẩm thực Việt Nam không chỉ tinh tế trong cách chế biến; mà cách ăn cũng tạo được sự độc đáo thu hút du khách khi thưởng thức. Với người Việt Nam, món ăn không chỉ thưởng thức qua vị giác mà phải kết hợp cả 5 giác quan của cơ thể.
Đầu tiên sẽ ăn bằng mắt, nghĩa là thức ăn phải được trang trí đẹp mắt, màu sắc hấp dẫn. Sau đó là ăn bằng mũi, mùi thơm của món ăn lan tỏa trong không khí sẽ làm nao núng chiếc bụng của bất kỳ ai vô tình ngang qua. Tiếp đến mới dùng miệng để chạm vào thức ăn để cảm nhận được thức ăn; như sự mềm mềm của bún, dai dai của thịt hay giòn như bánh ram.
Đặc biệt, người Việt còn thưởng thức món ăn bằng tai, nghe thì lạ nhưng thật ra âm thanh giòn tan của món ăn cũng đánh thức vị giác của thực khách. Cuối cùng mới là vị giác để cảm nhận hương vị.
Ngoài ra, cách ăn của người Việt cũng được nhiều du khách nước ngoài chú ý; chính là mọi người chấm chung một chén nước chấm. Điều này với người nước ngoài thầm nghĩ là ‘mất vệ sinh’; nhưng với người Việt là thể hiện được sự đoàn kết, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, trước khi bắt đầu bữa ăn người Việt thường quan trọng lời mời, thể hiện mối quan hệ gia đình và sự kính trọng của bậc con cháu đối với ông bà chao mẹ.
Những “món ăn” thu hút từ ánh nhìn đến hương vị
Những món Việt tuy dân dã, bình dị nhưng lại được được thế giới vinh danh và đánh giá cao.
Phở: Ngay cả người chưa đến Việt Nam khi được hỏi sẽ ăn món gì ở đây đều không do dự trả lời là Phở. Phở Việt không đơn thuần là món ăn ‘quốc hồn quốc túy’ xuất hiện trên các trang báo nước ngoài hay được vinh danh trong top những món ăn ngon nhất thế giới, mà Phở đã có mặt trên rất nhiều quốc gia. Bí quyết của bát phở ngon chính là ở nước dùng được nấu kỳ công. Vị ngon đặc trưng của phở đã trở nên nức tiếng và được bạn bè quốc tế yêu thích
Bánh mì: Vốn là một món ăn bình dân, tiện lợi có mặt tại khắp các con phố Việt Nam, bánh mì liên tục được các trang web về du lịch hay ẩm thực thế giới, các food blogger nổi tiếng ca ngợi là món ăn đường phố ngon nhất Thế giới.
Gỏi cuốn: Gỏi cuốn thường được làm từ thịt heo, tôm, các loại rau tươi, bún gạo và nhiều thành phần khác. Tất cả được cuốn trong bánh tráng. Điều làm nên sự khác biệt giữa món cuốn Việt Nam và món cuốn của các nước khác là nước chấm chua ngọt hoặc mắm nêm kèm đậu phộng tạo nên vị thơm và ngọt bùi rất hấp dẫn.
Ngoài những món ăn đặc trưng cho nền ẩm thực Việt Nam nói trên thì còn rất nhiều cái tên khác như bún chả, bánh xèo, mỳ quảng,…
Nét văn hoá ẩm thực Việt Nam đối với những khách du lịch Việt Nam cũng được xem là một trong những điều rất đáng để trải nghiệm. Đặc trưng ẩm thực của mỗi vùng miền Việt Nam đều chứa đựng những tinh túy văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc sâu sắc và sự giàu có, thịnh vượng của một đất nước nghìn năm văn hiến.